Giải thích bài sấm Kho tàng họ Mạc

Sau khi giới thiệu bài sấm trên trong sách Văn học Hà Tiên, Thi sĩ Đông Hồ viết:

Đọc xong bài sấm ai mà không nghĩ đây là một bài thần chú chỉ dẫn để tìm đến một kho tàng bí mật:

Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng.Vàng trong lòng đáVàng chói sáng lòa...

Thử đem các đầu mối đứt khúc của câu chuyện chắp nối lại, chúng ta đoán như thế này:

Bà phu nhân họ Nguyễn (chánh thất của Mạc Thiên Tứ) có giấu một kho tàng ở đâu đó. Người thợ đá lãnh việc chạm bài chỉ dẫn này trên đá phải tuyệt đối giữ bí mật công tác của mình. Nhưng người thợ đá bỗng chết vì bạo bệnh. Cho nên những dòng chữ ghi trên mãnh giấy kia, phút chốc biến thành bài sấm thiêng liêng do chính miệng Mạc Mi cô đọc lên, để đánh lạc hướng sự theo dõi của những người muốn tìm dấu kho vàng.

Nhưng gạt bỏ hết những gì huyền bí, tôi (Đông Hồ) thấy bài đó quả là một bài tiên đoán sự nghiệp của họ Mạc ở Hà Tiên, từ khi khai sáng cho đến lúc tàn mạt. Mỗi câu, mỗi chữ đều đúng như y, phân minh từng chi tiết...

Lược theo lời giải thích của thi sĩ Đông Hồ:

  • Câu 1: Khả thủy: chiết tự là chữ Hà (bộ Thủy kèm chữ khả). Sơn nhơn: chiết tự là chữ Tiên (bộ nhơn kèm chữ sơn).
  • Câu 2 và 3 chỉ là câu đưa đẩy cho đẹp lời.
  • Câu 4: Nhị thập viết đại là chiết tự chữ Mạc (bộ "hai mươi" đầu, chữ "viết" ở giữa và chữ "đại" ở dưới chân).
  • Câu 5: Ấp trồng cây trái, là chữ Mạc có bộ ấp, tức họ Mạc đặc biệt do chúa Nguyễn ban tứ để khác với họ Mạc Đăng Dung đã tiếm vị vua Lê.
  • Câu 6 và 7: Quả ngọt hoa thơm - Tay vin tay hái. Để tả cảnh vật phồn thịnh, mùa màng phong túc của trấn Hà tiên mà họ Mạc được thụ hưởng kết quả.
  • Câu 8 đến câu 11: Hoa nhỏ tí tí - Quả nhỏ tí tí - Tám chín xuân thu - Hoa nào phong nhụy. Tý trên ứng năm Mậu Tý (1708) là năm Mạc Cửu sai sứ triều kiến chúa Nguyễn Phúc Chu và dâng đất Hà Tiên. Tý dưới là ứng vào năm Canh Tý (1780), là năm Mạc Thiên Tứ tuẫn tiết ở nước Xiêm La. Tám chín xuân thu, là từ năm 1708 cho đến 1780 vừa đúng 72 năm. Tám lần chín là 72, ứng vận số của họ Mạc ở Hà Tiên.
  • Câu 12 đến câu 13: Là nói họ Mạc ở Hà Tiên tuy không phải là tước vương, tước bá, nhưng địa vị giống như một tiểu vương của một nước tự chủ ở biên thùy.
  • Câu 14 đến câu 15: Trời có con trai - Một cội bảy lá. Nguyên họ Mạc ở Hà Tiên có một thể thức đặt danh hiệu: dùng bảy chữ là "thiên, tử, công, hầu, bá, tử, nam" để làm tên đệm, sử cũ gọi đó là thất diệp phiên hàn. Chữ "trời" ứng chữ Thiên (Mạc Thiên Tứ), chữ con trai ứng chữ Tử (Mạc Tử Khâm), có nghĩa đến dòng họ Mạc đến chữ tử này thì hết (Mạc Tử Khâm không có con trai, họ Mạc tuyệt tự)[4].
  • Câu 16 đến câu 19: Bờ tre xanh xanh, chỉ dãy Trúc Bàn thành. Hái lá nấu canh, ý nói đến thời kỳ trấn Hà Tiên bị tàn tạ, bị phá hủy. Canh ăn hết canh, là vừa hết năm Canh Tuất (1910). Vị cay thanh thanh, là ứng với việc mộ vợ chánh của Mạc Thiên Tứ bị khai quật trong tiết Thanh minh năm Tân Hợi (1911).
  • Câu 20, 21: ứng việc khi mở được cửa mộ của Hiếu Túc thái phu nhân, thì trời đã về chiều. Hai chữ "trời tây" còn ngầm chỉ "người Tây.
  • Câu 22, 23: Chú ý chữ vàng ở câu 21 là "vàng trong hang đá", ở câu dưới là " vàng trong lòng đá". Chữ vàng ở câu sau ứng việc Mạc Thiên Tứ tuẫn tiết ở nước Xiêm, bằng cách nuốt vàng cho bí cuống phổi, ngạt thở mà chết.
  • Câu 22, 23 (hai câu cuối): mô tả đúng cảnh trí nơi Đền thờ họ Mạc hiện nay. Ngoài ra, chữ vọng, còn nhắc người đọc liên tưởng đến Vọng Các, nơi mà hơn 50 người họ Mạc và tùy tùng đã chết vì một lời tấu xàm.

Cuối cùng, thi sĩ kết luận: Hiểu như thế, thì bài sấm này không có gì huyền bí cả. Lại thấy rằng vần điệu của nó lưu loát, đọc lên có một khí vị hay hay. Huống nữa, nó còn chứa đựng một ý nghĩa như là một bài thơ sử ký sự, đáng truyền.[5].